Trường TH&THCS Việt Dân tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật năm 2020


       Sáng ngày 9 tháng  11 năm 2020 trường TH&THCS Việt Dân tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật năm học 2020-2021.

Nội dung tuyên truyền

      Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác PBGDPL, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến công tác PBGDPL.

      Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Chính phủ trình Dự án Luật PBGDPL ra trước Quốc hội. Tại đây, Chính phủ đề nghị quy định "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trong Dự thảo Luật PBGDPL và được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, đánh giá cao.

      Sau đó, Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, chính thức quy định ngày 09/11 hàng năm (ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) là "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của toàn dân.

        Sau quy định của Hiến pháp về Ngày Quốc khánh, đây là lần thứ hai, có một đạo luật quy định về một sự kiện chính trị, pháp lý được tổ chức hằng năm - Ngày Pháp luật Việt Nam của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng tới mục đích, ý nghĩa sau:

1. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

        Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, trong ngày này, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để từ một ngày này góp phần để tất cả các ngày còn lại trong năm đều là Ngày Pháp luật.

2. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật

       Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

3. Đề cao giá trị con người nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật của kỷ cương, phép nước

        Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

4. Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

       Bản chất của nhà nước pháp quyền chính là tính thượng tôn pháp luật trong tổ chức đời sống kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, bao gồm tính thống nhất, ổn định, minh bạch, dân chủ và công bằng. Tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam góp phần đáp ứng các yêu cầu trên và hình thành một trong những điều kiện quan trọng, thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân.

5. Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý

       Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, nâng cao trình độ văn hóa cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Lối sống pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời khi có áp lực từ bên ngoài. Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức vì sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; ý thức tự nguyện từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của dân chúng vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật.

       Xuất phát từ mục đích và ý nghĩa đó, tất cả cán bộ, giáo viên nhân viên và hs trường TH&THCS Việt Dân quyết tâm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và thực hiện đúng theo khẩu hiệu Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật bằng những việc làm thiết thực và hiệu quả, cụ thể:

       Về phía CBGVNV: Chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.

+ Không tham ô, lãng phí của công

+ Không lợi dụng chức quyền hạch sách nhân dân

+ Không uống rượu bia khi lên lớp

+ Phát ngôn chuẩn mực trước đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh

+ Thực hiện tốt văn hóa công sở

+ Không gây bè, kết phái gây mất đoàn kết nội bộ

+ Không đơn thư khiếu nại, tố cáo vô căn cứ

+ Không tự ý biểu tình, đình công hoặc tham gia biểu tình sai pháp luật

+ Không xúi bẩy, a dua theo kẻ xấu

+ Không để người khác lợi dụng danh nghĩa bản thân để làm trái pháp luật…

Đối với học sinh:

+ Không gây gổ đánh nhau gây mất đoàn kết, mâu thuẫn bạn bè

+ Không tụ tập, trả thù cá nhân gây mật an ninh trật tự

+ Chấp hành tốt luật An toàn giao thông như: đội mũ bảo hiểm đầy đủ khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy hoặc điều khiển xe đạp điện

+ Không đi xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi và chưa có bằng lái xe

+ Không lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, không đi giàn hàng ngang gây ách tắc giao thông

+ Không nói chuyện, cười đùa khi điều khiển xe gây nguy hiểm cho bản thân và người khác

       Để thực hiện tốt khẩu hiệu trên, thầy và trò nhà trường không ngừng tìm hiểu, học tập và chấp hành tốt pháp luật Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đó cũng là trách nhiệm của mọi công dân dể tiến tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

      Trên đây là nội dung bài tuyên truyền, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam. Hy vọng sau buổi tuyên truyền hôm nay, tất cả học sinh trường TH&THCS Việt Dân sẽ chấp hành tốt pháp luật và các thầy cô không phải nghe những lời phản ánh về một số bạn còn chưa chấp hành tốt luật An toàn giao thông trường học nữa.


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu

Các thông tin khác:
Mới nhất